CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2024)
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2024)

Tổng liên đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội với các nội dung liên quan đến công tác nữ

16:26 30-03-24

Ngày 27/3/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo "Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ" đã nhận được sự tham gia tích cực của các đại biểu, với những ý kiến chất lượng, sát với thực tiễn. Những ý kiến của công đoàn nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp với yêu cầu, điều kiện hiện nay khi một số quy định của Luật BHXH năm 2014 đã không còn phù hợp.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: ​​​​​Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến đông đảo người lao động, trong đó có nữ giới. Những quy định đảm bảo bình đẳng giới là hết sức quan trọng, nhất là chế độ thai sản, hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần liên quan rất lớn đến nữ. Theo thống kê, lao động nữ là đối tượng dễ bị tổn thương liên quan đến Luật này. Nữ giới chiếm tỉ lệ lớn những người rút bảo hiểm xã hội một lần. Nữ cũng là đối tượng chủ yếu không được thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, việc chúng ta đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ là hết sức cần thiết.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu nêu ý kiến về chế độ nghỉ khám thai tối đa 5 lần là không sát với thực tế và đề xuất, nên sửa đổi mức nghỉ 5 ngày để khám thai thành mức tối thiểu, và bổ sung mức tối đa là 9 ngày, tương ứng với việc khám thai mỗi tháng 1 lần trong suốt thai kì; không nên quy định mức nghỉ khám thai tối đa bao nhiêu ngày, bởi vì trên thực tế, có những trường hợp nữ lao động mắc bệnh lý thai kì, phải đi khám nhiều lần theo chỉ định của bác sĩ; đề nghị bổ sung đối tượng lao động hiếm muộn cũng được thụ hưởng các chế độ của Luật Bảo hiểm xã hội, bởi vì những đối tượng này có khi phải nghỉ 6-9 tháng đi làm các thủ thuật điều trị hiếm muộn, mà không được hưởng chế độ gì, trong khi họ cũng tham gia đóng bảo hiểm xã hội như bao người lao động khác; bổ sung thêm đối tượng dưỡng thai nằm một chỗ lâu ngày vào trong Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội chưa đề cập đến các trường hợp này được hưởng như thế nào, nên tới đây Luật sửa đổi cần quan tâm đến các đối tượng sinh con khó khăn, có chỉ định yêu cầu của cơ quan y tế; đề nghị tăng thời gian nghỉ với trường hợp sinh đôi lên 4 tháng (Dự thảo Luật đang quy định nghỉ 2 tháng).

Quang cảnh hội thảo

Ngoài ra, với trường hợp mang thai hộ, cần tăng thời gian nghỉ thai sản ít nhất là 3-4 tháng hoặc 6 tháng như các bà mẹ khác để đủ thời gian phục hồi sức khỏe, thích nghi với công việc; đề nghị nên kéo dài thời gian nghỉ của người chồng khi vợ sinh con. Bởi vì, theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang quy định mức nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con là 5, 7, 9, 14 ngày tùy từng trường hợp là chưa sát với thực tế, khi cơ thể người phụ nữ sau sinh còn chưa hồi phục, rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người chồng để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ lẫn con và góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình. Mở rộng đối tượng tham gia, đảm bảo công bằng giữa các nhóm lao động.

Một số đại biểu nêu quan điểm, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định chi tiết và bao phủ đầy đủ các đối tượng. Tuy nhiên mục tiêu của NQ 28/TW là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Cụ thể: Quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong Dự thảo Luật sửa đổi, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như bảo hiểm y tế hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình theo lũy tiến. Đồng thời hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân. Đồng thời đề xuất: "Dự thảo Luật cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia bảo hiểm xã hội (bắt buộc hoặc tự nguyện) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường". Một số đại biểu cũng nêu vấn đề của chính sách bảo hiểm xã hội hiện quy định chỉ có đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được hưởng các chế độ trợ cấp ngắn hạn như thai sản, ốm đau, tai nạn, còn đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì không được hưởng và đề nghị nên áp dụng các chính sách này đối với lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng mức độ hấp dẫn của loại hình này.

TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội

Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia thảo luận về các nội dung liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội một lần, chế độ hưu trí, một số vấn đề khác liên quan đến quyền đặc thù của lao động nữ và phân tích rõ quy định nào đã phù hợp, quy định nào cần chỉnh sửa hoặc thay đổi, cần bổ sung những quy định nào hoặc đề xuất những chính sách nào; những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong quá trình triển khai và đề xuất một số giải pháp của tổ chức Công đoàn nhằm tháo gỡ và triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội tới người lao động, hướng tới mục tiêu lớn hơn của quốc gia là đảm bảo một hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại để thúc đẩy công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Đồng chí Đặng Thị Kim Chung - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổng hợp, báo cáo Ban soạn thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đóng góp tiếng nói của công đoàn nói chung và đặc biệt là tiếng nói của lực lượng làm công tác nữ công của tổ chức Công đoàn nói riêng, để Luật Bảo hiểm xã hội đảm bảo tính khả thi, khoa học, chặt chẽ trong thời gian tới. Theo Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm năm 2024, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoàn - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Dệt May Việt Nam

Đối với tổ chức Công đoàn, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội có quy định rất rõ: Công đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động; kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Công đoàn có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động và tham gia thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Thái Hòa

 

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”