CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)

Dân chủ và phát triển

08:38 03-06-19

Dân chủ là giá trị chung của nhân loại. Khi nói về vai trò của dân chủ, ít nhất chúng ta phải nhớ ba điều sau đây: Thứ nhất, Lênin khẳng định: “Không có dân chủ không có tiến bộ xã hội”; Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “Dân chủ là chìa khóa vạn năng giải quyết mọi khó khăn”; Thứ ba, Đảng ta khẳng định: Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển.

 Liên Hợp quốc khẳng định dân chủ là một trong những nền tảng và giá trị cốt lõi. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy: khái niệm "dân chủ" được hình thành rất sớm, vào năm 430 trước Công nguyên, có xuất xứ từ Hy Lạp thời cổ đại, với sự khẳng định: Dân chủ là cai trị bởi dân. Nền dân chủ thực sự cấp quốc gia ra đời năm 1906 tại Phần Lan, khi đó bãi bỏ mọi yêu cầu về chủng tộc, giới tính và đi bầu cử…Dân chủ xã hội chủ nghĩa có từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga.  

Ở Việt Nam thì sao, nhiều nghiên cứu nói rằng Việt Nam thời phong kiến  có dân chủ công xã. Thời  Lý Công Uẩn tại Thăng Long đã có “lầu chuông”, dành cho dân thường, nếu ai có oan trái thì đến đánh chuông  kêu  oan với triều đình. Trong lịch sử nhà Trần chắc không ai quên được Hội nghị Diên Hồng năm 1284 do Thượng Hoàng Trần Nhân Tông triệu tập để trưng cầu dân ý, hỏi ý kiến các bô lão, trước sự xâm lược nước ta của quân Nguyên lần thứ 2. Nhiều nhà sử học nói rằng đây là hình thức dân chủ trực tiếp đầu tiên của thời phong kiến ở nước ta. Khi Hưng Đạo Vương- Trần Quốc Tuấn trên giường bệnh, vua đến thăm và hỏi kế sách giữ nước, Trần Hưng Đạo đã nói với vua rằng: “Khoan sức dân là thượng sách để giữ nước”; với  Nguyễn Trãi từng nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”;  với Nguyễn Trường Tộ- Nhà cải cách xã hội thế kỷ 19 với câu nói nổi tiếng: “Nếu lợi cho dân thì không cứ phải theo xưa, nếu thích hợp thì không cứ theo cũ, nếu học điều khôn thì không cứ là của địch hay của ta”. Khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công Hồ Chủ Tịch đặc biệt nhấn mạnh: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".  Người căn dặn cán bộ: “Việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, dân chủ là "hình thức tổ chức thiết chế chính trị xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do..." (Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995, tr. 653). Từ khái niệm tên ta thấy rõ: Dân chủ là dân làm chủ và hai thành tố cơ bản của dân chủ là bình đẳng và tự do.

Khái niệm dân chủ của Hồ Chí Minh là “Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ”, dân  làm chủ, là dân “được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra” dân ở đây trong khía cạnh cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp là nói đến: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi chung là người lao động).  Bác dạy: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”.

Dân chủ là khát vọng ngàn đời của con người. Nhân dân ta đã hàng ngàn năm  sống dưới chế độ phong kiến và gần một trăm năm dưới chế độ thực dân đều không biết đến dân chủ, tự do; “Muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ” - Hồ Chí Minh.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước”;  Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội…Dân chủ vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển…

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 (ngày 13/12/2017) đã chỉ rõ: phát huy dân chủ là một trong năm giải pháp của “Tăng năng xuất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững”.

Ta có thể khẳng định rằng: Muốn phát triển thỉ phải đổi mới, muốn đổi mới phải có sáng tạo, mà chỉ có dân chủ mới phát huy sức sáng tạo của mọi công dân như Bác Hồ đã khẳng định “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”.

Mọi điều chúng ta làm, mọi cống hiến của chúng ta để mong muốn có một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định rằng: có dân chủ, đoàn kết và đồng thuận sẽ có thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển.

Đoàn kết là sức mạnh vô địch, Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.Cái gốc của đoàn kết là gì? Chính là “dân chủ”, gốc của “sáng tạo” cũng là “dân chủ”

Làm thế nào để có dân chủ thực sự? chúng ta đều biết: Dân chủ phải có kỷ cương. Các cụ có câu: “Muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước”. Khuôn và thước ở đây chính là kỷ cương, có kỷ cương khuôn phép thì mới có thể tròn và vuông được. “Pháp luật là bà đỡ của dân chủ”. Muốn có dân chủ thực sự phải tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phải có đầy đủ các văn bản của Đảng, các văn bản luật và dưới luật, phải cụ thể hóa bằng các nội quy, quy chế, quy định trong từng cơ quan đơn vị.  Trong một cơ quan đơn vị, hay doanh nghiệp, người sử dụng lao động bao giờ cũng mong hiệu quả cao mà chi phí ít, còn người lao động thì mong bỏ công sức ít mà quyền lợi nhiều, nhiệm vụ của công đoàn và các tổ chức chính trị xã hội là phải thanh tra, kiểm tra giám sát, phản biện xã hội nhằm điều hòa các lợi ích đó.

Điều hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao đông, trên cơ sở phát huy tốt nhất dân chủ trực tiếp và gián tiếp tại cơ sở, bao gồm:

Thứ nhất, phát huy Dân chủ trực tiếp dưới 10 hình thức: Công đoàn phối hợp với thủ trưởng đơn vị tổ chức tốt Hội nghị CBCCVC (Hội nghị người lao động đối với doanh nghiệp); Được góp ý trong các cuộc họp giao ban, tổng kết cơ quan…; Kiểm điểm  tự phê bình và phê bình trong họp định kỳ và cuối năm; Tham gia đối thoại chất vấn định kỳ; Được trực tiếp tham gia góp ý vào các văn bản liên quan đến người lao động, được góp ý vào các quy chế của cơ quan đơn vị; Được cung cấp thông tin qua văn bản, bản tin nội bộ, mạng internet, ấn phẩm…; Những điều công khai được biết theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP và Nghị định 149/2018/NĐ-CP; Thông qua tiếp đoàn viên và người lao động; Ý kiến của đoàn viên được trả lời qua đơn thư khiếu nại tố cáo, thông qua Hòm thư góp ý; Thông qua trưng cầu dân ý…

Thứ hai, phát huy Dân chủ đại diện (gián tiếp) thông qua 5 hình thức: Thông qua Ban Thanh tra nhân dân  hoặc Ban đối thoại (đối với doanh nghiệp) ; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn được tham gia các hội đồng cùng cấp (Hội đồng thi đua, khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, kỷ luật…) nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên (theo Nghị định 200/2013); Cán bộ công đoàn được thu thập ý kiến của đoàn viên để trao đổi với người sử dụng lao động (theo nghị định 43/2013); Công tác kiểm tra giám sát hàng năm của Công đoàn; Thông qua người được bầu bằng lá phiếu của người lao động.  

Khi vào một cơ quan, đơn vị , người lao động bao giờ cũng quan tâm đến lợi ích chính đáng: thu nhập? đào tạo? cơ hội thăng tiến? môi trường làm việc? giao lưu học tập kinh nghiệm?…

Người lao động muốn biết được lợi ích của mình được đảm bảo hay không, thì họ phải được biết, được bàn, được làm…nghĩa là mọi  hoạt động của đơn vị phải  “công khai, minh bạch, rõ ràng”. Nghĩa là mọi hoạt động trong cơ quan đơn vị phải dân chủ.

Khi kiến nghị của người lao động được giải đáp thỏa đáng, quyền lợi của họ được đảm bảo thì họ yên tâm, gắn bó với cơ quan và sẵn sàng làm và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi đó họ mới tự giác, tích cực làm việc. từ tự giác họ mới say mê, hứng thú với công việc. Khi hứng thú say mê công việc rồi thì chính đây là động lực cho “sáng tạo” . Như vậy khi tư tưởng thông suốt nghĩa là khi đã dân chủ công khai minh bạch thì ắt cơ quan sẽ “đoàn kết” một lòng, đó là cội nguồn của “sáng tạo”. Khi người lao động đã phát huy được sáng tạo thì năng xuất lao động sẽ đạt cao nhất tức là khi đó lợi nhuận thu được của đơn vị không gì sánh được, họ sẽ làm cho cơ quan “ổn định và phát triển”./.

Đào Thịnh

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”